Trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Startup - lần 1 năm 2022, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với gần 10 doanh nghiệp tiêu biểu tham dự và tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm và đồng tham dự sự kiện phiên thảo luận về chủ đề “Chuyển đổi chuỗi thủy – hải sản đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hướng tới hiện đại, bền vững và phát thải thấp”.
Triển lãm trưng bày sản phẩm địa phương
Sự kiện giới thiệu sản phẩm nằm trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Startup 2022 diễn ra trong hai ngày 19-20/12, tại Nhà Văn hóa Lao Động tỉnh Đồng Tháp. Tham gia triển lãm trưng bày các sản phẩm nông nghiệp địa phương tại Diễn đàn, Sóc Trăng giới thiệu nhiều sản phẩm nông nghiệp, nông sản đặc trưng đạt chuẩn OCOP tiêu biểu của tỉnh như vú sữa bơ hồng, vú sữa tím Tứ Quý, bún khô Lệ Châu, bánh ngon Duy Tân, mắm Cô Mới,… và nhận được nhiều quan tâm từ người dân, doanh nghiệp và các đơn vị khi đến tham quan.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan gian hàng trưng bày của tỉnh
Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại tỉnh
Phiên thảo luận chủ đề “Chuyển đổi chuỗi thủy - hải sản ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững và phát thải thấp”
Bên cạnh phiên triển lãm, Diễn đàn còn có các hoạt động như: Talkshow “Kinh doanh và thu hút đầu tư hiệu quả, bền vững” và Chương trình Giới thiệu công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp; triển lãm các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ vùng ĐBSCL; 3 phiên thảo luận trước thềm theo từng chuỗi nông nghiệp: lúa gạo, thủy sản, trái cây và Phiên toàn thể của Diễn đàn. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng là tỉnh nông nghiệp với điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu thủy hải sản đã tham dự phiên thảo luận chủ đề “Chuyển đổi chuỗi thủy – hải sản ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững và phát thải thấp”.
Chương trình có sự góp mặt của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân; Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng một số lãnh đạo, đại diện doanh nghiệp trong ngành nuôi trồng thủy sản tại khu vực miền Tây.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục thủy sản và các tỉnh chủ trì phiên thảo luận
Phát biểu khai mạc, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết những năm gần đây thủy sản là một trong những nông sản được ưu tiên hàng đầu tại khu vực ĐBSCL. Năm 2022 với nhiều sáng kiến mới đã góp phần đưa sản lượng 11 tháng đầu năm của khu vực đạt 70% cả nước. Song đi kèm những lợi thế sẵn có và sự đổi mới sáng tạo là những thách thức cần phải đối mặt.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản phát biểu khai mạc
Ông Trần Đình Luân chỉ ra trong những năm qua, ô nhiễm môi trường, nội tại ngành thủy sản và các hoạt động kinh tế khác đã ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả ngành thủy sản tại ĐBSCL. Để tận dụng triệt để các lợi thế sẵn có, đưa ngành thủy sản khu vực tăng trưởng, song song với bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững, giảm phát thải, ngoài những chính sách hỗ trợ từ chính phủ cũng cần sự chung tay góp sức của thế hệ trẻ với những sáng kiến đổi mới. Tuy nhiên, ông Trần Đình Luân cũng lưu ý sáng kiến mới cần hướng tới thực tiễn, phù hợp với trình độ, khả năng tài chính của người dân.
Tại phiên tham luận đầu tiên, đại diện cho GIZ (Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức), Ông Ngô Tiến Chương đã có những phân tích về các thuận lợi - thách thức ngành thủy sản ĐBSCL và cả nước đang đối mặt. Ông Ngô Tiến Chương cũng định nghĩa về "kinh tế xanh" là nền kinh tế có mức phát thải thấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội đang là xu hướng chung toàn cầu và đã được ứng dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, ông cũng gợi ý cần tạo cơ chế, chính sách cho kinh tế tư nhân, thu hút nguồn vốn quốc tế tham gia vào thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn và việc nâng cao nhận thức, năng lực của người dân trong khu vực cũng là nhiệm vụ quan trọng nếu muốn sớm gia tăng sức cạnh tranh của ngành thủy sản trên thị trường quốc tế.
Ông Ngô Tiến Chương - chuyên gia kỹ thuật cấp cao của Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức (GIZ)
Cũng trong khuôn khổ phiên tham luận, Ông Huỳnh Quốc Tịnh, đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam, cũng hiến kế cần phát triển rong tảo biển bền vững để giảm phát thải và giữ môi trường nước sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng ngành thủy sản. Đồng thời khuyến nghị áp dụng chiến lược "Rừng biển" 10 năm của WWF toàn cầu và tùy chỉnh để phù hợp với môi trường, hệ sinh thái Việt Nam với kỳ vọng chiến lược này có thể giúp phục hồi diện tích thảm cỏ biển, đóng góp vào nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái rừng biển tại Việt Nam.
Ông Huỳnh Quốc Tịnh, đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam
Song song với giải quyết các thách thức về môi trường, những sáng kiến công nghệ hiện đại hướng đến số hóa ngành thủy sản cũng được khuyến khích. Ông Vũ Văn Vân, Giám đốc Công ty Công nghệ Otanics thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú giới thiệu nền tảng quản lý thông minh dành cho ao nuôi tôm Tomota.
Ông Vũ Văn Vân, Giám đốc Công ty Công nghệ Otanics thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú
Ông Vũ Văn Vân cho biết các giải pháp công nghệ số hóa này phù hợp với hầu hết hộ nông dân nuôi trồng và kinh doanh tôm giống. Ngoài ra, đơn vị cũng chủ động kết hợp cùng các chương trình, tổ chức, hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ tương tự như nền tảng Tomota cung cấp, giúp họ nâng cao kiến thức và ứng dụng vào thực tiễn hiệu quả hơn.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng trao hoa cho các chuyên gia
Sau phần trình bày từ các diễn giả, Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đại diện cho Ban tổ chức - chủ trì phiên thảo luận đã trao tặng những bó hoa tươi thắm cùng lời cảm ơn dành cho những chia sẻ quý báu của các chuyên gia./.