Để đánh giá bức tranh kinh tế thu hút đầu tư, diễn biến của nền kinh tế và tác động đối với tình hình xuất khẩu tại ĐBSCL trong thời gian tới, đồng thời rà soát các điều kiện vận hành kinh tế, kỳ vọng của nhà đầu tư về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng đến cải thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho phát triển xuất khẩu.
Sáng ngày 21/7/2023, Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VLAC) phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức Hội nghị nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Diễn đàn với sự tham dự của hơn 200 đại biểu gồm lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt với sự tham dự của các chuyên gia, luật sư, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, du lịch, ngân hàng … vùng ĐBSCL, cùng các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin.
Quang cảnh Hội nghị
Mặc dù còn khó khăn, nguồn đầu tư FDI hạn chế (khoảng 35 tỷ USD), hạ tầng giao thông chưa thật sư phát triển, nhân lực lao động dồi dào nhưng chưa có chuyên môn song bức tranh kinh tế của vùng đã có nhiều khởi sắc, theo khảo sát của VCCI Cần Thơ, hiện có nhiều nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng, cơ hội đầu tư tại vùng ĐBSCL, trong đó có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore.
Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư, cải thiện điều kiện và khung pháp lý hướng đến xây dựng môi trường đầu tư hiện đại và bền vững, cụ thể như vấn đề chồng chéo của các văn bản luật; Quy hoạch tổng thể chưa được Chính phủ phê duyệt ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án; vấn đề quản trị, hỗ trợ xuất khẩu.
Một số vấn đề nổi bật nhà đầu tư quan tâm như môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, giải quyết thủ tục đầu tư nhanh chóng, cơ sở hạ tầng thông suốt, quy trình đăng ký dự án đầu tư minh bạch đặc biệt đối với các dự án lĩnh vực nông nghiệp, phát triển bền vững giữa các ngành kinh tế khác nhau, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, phát triển công nghiệp dựa trên lợi thế về nông nghiệp, quan tâm phát triển cảng sông và cảng biển hỗ trợ phát triển hoạt động logistics trong khu vực. Đặc biệt là sự phát triển của hệ thống logistics tác động đến sự tăng trưởng xuất khẩu vùng ĐBSCL, với nhiều thách thức như thiếu hệ sinh thái dịch vụ logistics nông sản, tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường ngày càng nghiêm ngặt. Qua đó, một số giải pháp được đề xuất như cải thiện hạ tầng logistics, tăng cường vận tải đa phương thức, đầu tư hệ thống kho bãi đáp ứng nhu cầu lưu trữ,…
Tham dự Hội nghị, tỉnh Sóc Trăng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong việc nhận diện các khó khăn vướng mắc trong thu hút đầu tư. Theo đó, các sở, ngành tỉnh sẽ tiếp thu các giải pháp, tham mưu tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao năng lực, đáp ứng các điều kiện giao thương quốc tế.