Chiều ngày 16/2, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ thực hiện, chính thức công bố Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022 với chủ đề “Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam”.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, năm 2022 dưới những tác động trong và sau đại dịch Covid-19, cùng những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu được nhiều doanh nghiệp quan tâm, nhìn nhận. Theo Báo cáo thường niên tại Hội thảo dựa trên khảo sát 1.000 doanh nghiệp cả nước trong các lĩnh vực như nông lâm thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ,… cho thấy nhiều doanh nghiệp đã tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số để tăng tốc trong giai đoạn khó khăn, điều này chưa từng có trong tiền lệ.
Bà Trịnh Thị Hương nhấn mạnh “Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 nhằm nâng cao nhận thức chung về một số xu hướng công nghệ trên thế giới, hiểu được thực trạng, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, cũng như học hỏi từ những câu chuyện về chuyển đổi số sẽ giúp mỗi doanh nghiệp xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp của riêng mình, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo công bố Báo cáo
Ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án USAID LinkSME chia sẻ rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp đã được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số và đang nỗ lực thực hiện các sáng kiến, chiến lược chuyển đổi số của riêng mình. Dự án USAID LinkSME sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án USAID LinkSME chia sẻ ý kiến
Tiếp nối nội dung Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phụ trách Văn phòng chuyển đổi số - Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày báo cáo tóm tắt về chuyển đổi số doanh nghiệp Việt Nam năm 2022. Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên cho rằng, năm 2022, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động chuyển đổi số với gần 40% ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ mức trung bình đến đáp ứng đầy đủ khi có nhu cầu chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn có tới 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số.
Tuy nhiên, theo Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 cũng cho thấy: Mặc dù đã có sự cải thiện, nhưng doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn khá rời rạc, nhằm đáp ứng theo nhu cầu tức thì của doanh nghiệp, chưa có kết nối giữa các giải pháp trong chuyển đổi số.
Tại Hội thảo, Ông Đỗ Hoàng Hải, Chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số. Theo đó, nhiều doanh nghiệp như Langbiang Farm, Sơn MT, Tomeco An Khang,…đã tự động hóa, số hóa các quy trình hoạt động sản xuất kinh doanh, đem đến nhiều lợi ích và nâng cao năng suất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông còn chia sẻ thêm về 04 điều doanh nghiệp cần chú trọng khi chuyển đối số gồm (1) Nhận thức và công tác truyền thông trong doanh nghiệp; (2) Vai trò then chốt của lãnh đạo doanh nghiệp; (3) Xác định rõ chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp; (4) Thực thi và văn hóa.
Một số hoạt động của doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số
Đại diện Ban Dự án Chuyển đổi số SME, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) là nhà cung cấp tham gia chương trình cũng khẳng định: "Những định hướng, hoạt động của Chương trình được triển khai một cách có hệ thống, khoa học và sát với nhu cầu của doanh nghiệp. VNPT rất vinh dự là một trong các tập đoàn công nghệ đồng hành cùng Chương trình trong năm vừa qua. Thông qua các hoạt động của Chương trình, VNPT đã đóng góp những kiến thức, kinh nghiệm và những giải pháp thiết thực tư vấn, triển khai cho hơn 2.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động đồng hành mạnh mẽ, ưu đãi thiết thực cho các doanh nghiệp thông qua Chương trình trong thời gian tới”.
Một số hoạt động đồng hành của VNPT Việt Nam
Kết thúc Hội thảo, Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với Dự án USAID LinkSME cam kết tiếp tục hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp để đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số, cụ thể với các nội dung gồm xây dựng tài liệu, sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số, tổ chức tập huấn và cung cấp hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số cho những doanh nghiệp. Kế hoạch thực hiện các hoạt động nêu trên dự kiến được thực hiện trong nửa đầu năm 2023./.