Lấn biển là một trong những giải pháp để mở rộng quỹ đất, chủ động ứng phó với tình trạng xói lở bờ biển, nước biển dâng, mở ra hướng phát triển cho tương lai. Tuy nhiên, hoạt động lấn biển cũng có thể gây ra tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các nguồn lợi, tác động tới đời sống của người dân ven biển. Mỗi dự án có hoạt động lấn biển cần tính đến sự hài hòa về lợi ích giữa địa phương, nhà đầu tư và người dân. Việc điều tra, đánh giá, xác định các khu vực lấn biển cần phải được tiến hành toàn diện, nghiêm túc, chặt chẽ với sự tham gia của chính quyền và người dân.
Ngày 16/4/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP về quy định các hoạt động lấn biển, đánh dấu một bước quan trọng trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên biển của Việt Nam. Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo ra khung pháp lý rõ ràng, giúp bảo vệ môi trường biển, đảm bảo an ninh quốc phòng và thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.
Theo đó, Nghị định gồm 12 điều, tập trung quy định cụ thể về Dự án đầu tư lấn biển hoặc hạng mục lấn biển; Giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển, nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực biển, lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư có hoạt động lấn biển, …
Việc triển khai Nghị định này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân để đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra, bảo vệ môi trường biển và phát triển kinh tế biển bền vững. Trong đó, một số nội dung quan trọng cả chính quyền và nhà đầu tư cần phối hợp, đảm bảo thực hiện như: Dự án đầu tư lấn biển hoặc hạng mục lấn biển của dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao khu vực biển để lấn biển đồng thời với giao đất, cho thuê đất. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có hoạt động lấn biển bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Khu vực biển được xác định để lấn biển phải được xác định cụ thể vị trí, diện tích, ranh giới, tọa độ theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ. Việc xác định khu vực biển để lấn biển đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Luật Đất đai năm 2024. Đặc biệt khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết của dự án đầu tư lấn biển hoặc dự án đầu tư có hạng mục lấn biển phải bố trí và dành quỹ đất để xây dựng công trình hạ tầng công cộng, bao gồm lối đi xuống biển theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm bảo đảm quyền tiếp cận biển của người dân, cộng đồng.
Sóc Trăng với lợi thế đường bờ biển dài 72km, với nhiều khu vực biển ven bờ nông, nhiều bãi bồi, rất thuận lợi cho hoạt động lấn biển. Thực tế hiện nay, có nhiều nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án như du lịch sinh thái, khu đô thị ven biển. Do đó, Tỉnh Sóc Trăng đặc biệt chú trọng vấn đề phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Ngay sau khi Chính phủ ban hành, nhằm chủ động triển khai áp dụng hiệu quả Nghị định, Tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các Sở, ngành, địa phương nghiên cứu Nghị định để áp dụng trên địa bàn tỉnh.